Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Đá

                  Ngày nó còn bé, quê nó còn chưa có điện. Tụi trẻ như nó không biết cục đá, tức là nước đóng băng từ nhiệt độ dưới 0 độ C như thế nào. Nó thì hay nghe mẹ kể, đá ấy rất lạnh, pha đường uống rất ngon. Ngày mẹ là sinh viên học ở Phú Thọ đã gặp mấy lần mưa đá. Đá to như hòn bi vậy, và mẹ cùng các bạn đã nhặt chúng ướp với trái cây để ăn rất ngon, cho vào nước đường để uống rất mát!
                  Nó luôn mơ về một trận mưa đá. Nhiều khi có những cơn mưa to, tiếng rơi lộp bộp trên mái nhà làm cả gia đình tưởng là mưa đá, mẹ sai chị quẳng cái sàng ra sân để hứng đá. Nhưng mà khi nào cũng chỉ là cái sàng ướt không, làm cả nhà thất vọng.
                  Có khi nghe thấy mưa to, nó hỏi mẹ có phải là mưa đá không? Mẹ lại sai chị đi đem sàng quẳng ra sân hứng đá. Mẹ nhất định không cho nó đi vì sợ nó bị nhiễm lạnh. Khi nhỏ nó cũng rất hay ốm yếu, phải uống thuốc suốt. Chị nó vì vậy mà giận lắm. Vì nhiều khi trời chưa hết mưa, mẹ đã bắt chị đội nón, mặc áo mưa ra sân lấy sàng xem có đá không cả đá sẽ bị tan hết.
                  Có lần chị bước vào nhà và bị ướt lướt thướt, mẹ không có ở đấy. Chị nhìn nó bằng đôi mắt hằn học, đỏ lừ và nói: Vì mày mà tao bị ướt như thế này đây. Này thí đá này… đá này … chị đấy xông vào đánh nó.
                 Mẹ sau đó đã phạt chị ấy khoanh tay đứng ở xó cửa suốt buổi tối. Nhưng từ đó nó không bao giờ nhắc đến mưa đá nữa. Dù trong lòng nó luôn ao ước một lần được nhìn thấy  mưa đá. Những hòn đá từ trên trời rơi xuống với nó quả là vô cùng thú vị. Chúng được kết tinh từ những hạt mưa từ trên bầu trời lên rất sạch, đặc biệt và chắc là rất ngon!
                   Ngày nó là sinh viên, nó gần như ở một mình trong căn nhà trên phố Trưng Nhị ở thị xã Phúc Yên. Một lần đang ngồi học trong nhà. Nó cứ thấy bà già nhà bên cạnh chửi bới ầm ĩ. Nó mặc kệ, cứ học bài thôi. Nó vốn không thích mấy chuyện đôi co, ầm ĩ, chửi bới. Nhưng kỳ lạ, tiếng chửi ngày một gay gắt, cay độc và kèm theo cả sự miệt khinh một con “ nhà quê” nào đó. Nó bắt đầu chú ý! Trời ơi, hình như bà ta đang chửi nó! Máu nó tức dồn nên đầy não. Từ khi nó đến đây ở, nó chưa từng chuyện trò, chơi bời và làm điều gì có hại cho gia đình họ. Thế mà bà ta đang ầm ĩ chửi nó vì tội nó choảng gạch phá mái nhà bà ta! Bà ta còn kẻ hành kể tỏi chuyện này chuyện nọ của nó với đám công nhân, thợ thuyền và người dân khu phố ở đấy.
                    Nó tức điên, nó mở cửa nói với bà ta: Này bà kia, cháu từ khi đi học về vẫn đang học bài ở trong nhà vì ngày mai có môn thi. Cháu có lên mái nhà khi nào mà choáng phá mái nhà bà? Cháu choảng làm cái gì và lấy gì để mà choảng? Bà già rồi, ăn nói cho nó phải cẩn thận chứ? Cư xử làm sao để cho con cháu nó tôn trọng chứ? Con nhà quê thì sao? Dễ chừng bố mẹ bà không phải là người nhà quê ah?
                   Bà ta cũng đang tức tưởi, uất ức chẳng kém gì nó. Bà ta re rẻ nói nó. Á ah, con này mày dám nỏ mồm à! Đã đến ở đây thì phải biết lựa đường mà sống nhé. Sung quanh nhà tao đầy con cháu, rồi cả công nhân và thợ học việc nhà tao nữa nhé. Có thù hận gì nhà tao thì cũng đừng có choảng phá hỏng mái tôn nhà tao chứ?
                   Nó cự lại, cháu đã nói cháu không ném gì sang nhà bà thì có nghĩa là cháu không ném. Bà biết chưa! Bà và con cháu, thợ thuyền nhà bà mà làm gì cháu, cháu sẽ đưa ra công an phường. Cháu ở nhà này là nhà của cậu cháu. Không phải ở nhà của gia đình bà, con trai bà đã bán căn nhà này để mua đất chỗ khác. Bà không có quyền muốn đuổi cháu đi thì đuổi!
Còn việc vì sao có tiếng lục cục, choang choang trên mái nhà thì cháu cũng đang thắc mắc và phải đi tìm hiểu rồi mới biết được nguyên nhân.
                    Nó tức tối vì bị vu vạ và xúc phạm, nó đóng sập cửa xếp lại và chạy nên mái. Trời ơi, những tảng đá to đang rơi xuống xối xả. Nó không cả dám bước ra ngoài nhặt nữa vì chúng được rơi từ rất cao xuống, áp lực rất mạnh.
                    Nó vội chạy xuống định nói rõ nguyên nhân với bà già “ điên” vẫn đang chì triết xỉa xói nó ở cửa. Bà ấy đúng là bị điên, sao lại đi vu vạ cho một con người trung hậu, thật thà, đàng hoàng và tử tế như nó cơ chứ? Trong mắt của bà ấy, cứ là người nhà quê là người xấu. Cứ là người nhà quê thì là loại chẳng ra gì, không đáng được tôn trọng. Thị xã thì sao chứ, từ khi đến cái thị xã này, nó chứng kiến bao cảnh sống chen chúc như một “ lũ chuột” của người dân trong thị xã. Họ nhếch nhà nhếch nhác, ăn uống thì cứ “ tý, tý” bọ và kiêu căng, hợm hĩnh. Cái gì cũng bọn nhà quê không có gì? Bọn nhà quê thì biết cái gì? …. Thật là bực mình!
                      Vừa mở cửa, đã thấy bà ta kêu la ầm ĩ với mọi người là vừa mắng chửi nó mấy câu là nó đã lên đập phá mái nhà bà ta. Nó cố gào lên đó là do mưa đá, nhưng bà ta không chịu nghe. Nó nhìn bà ta ức nghẹn cổ. Nếu không phải bà ta đã già, cũng ngang tầm tuổi bà ngoại nó thì nó đã cho bà ta vài cái tát, hoặc một quả đấm để đời, vì những lời xúc phạm nó giữa đám đông rồi. Nó đang nắm chặt tay tự kìm chế để không phạm lỗi đấm vào mặt “ bà già điên” một quả. Thì bất ngờ một tảng đá to rơi xuống, tâm đúng đầu bà ta. Trông bà ta cũng khá tội nghiệp, tóc bà ấy cũng bạc trắng như bà ngoại nó. Nhanh như chớp nó vung tay che lấy đầu bà ta. Tảng đá rơi vào cánh tay rắn chắc của nó, vì dạo này nó khá chăm chỉ luyện đấm bốc lạnh buốt, tê dại.
                       Lúc này bà ấy mới biết đó là do mưa đá. Một trận mưa đá rất to trong lịch sử của huyện Mê Linh. Từng mảng đá to cỡ nửa bàn tay người lớn, mảng đá nhỏ cũng bằng cái chén con. Cá biệt có những tảng to như mảng đá xuýt rơi thẳng đầu bà lão hàng xóm thì to bằng cả hai bàn tay người lớn cộng lại. Sau trận mưa ấy, gần như tất cả hoa màu của người dân trong huyện đều bị phá hủy. Những nhà lợp ngói, lợp tấm B-lô-xi-măng cũng bị vỡ hỏng rất nhiều. Tấm B-lô-xi-măng che trên bể nước nhà nó cũng bị trận mưa đá làm cho vỡ tan tành.
                   Cánh tay đã che đá cho bà lão hàng xóm của nó bị thâm tím, tê dại suốt một thời gian sau đó. May mà không bị gãy xương. Nhưng chắc là nó đã bị tổn thương hệ cơ khá nhiều.
                   Bà già đó cũng bị vương vào đầu mấy hòn đá nhỏ khi cố gắng xin lỗi và cám ơn nó đã cứu mạng. Mặc dù nó đã cố gắng nói với bà ấy là nó không sao vì đó chỉ là sự hiểu lầm. Rồi đẩy bà ấy đứng vào trong hiên để tránh những cục đá lạnh buốt rơi trúng vào người.
                   Tiếc rằng việc nó đẩy bà ấy vào hiên tránh đá, lại khiến con trai bà ấy lúc này mới tỉnh rượu, từ trong nhà đi ra tưởng nó đánh bà ấy vì bà ấy đã xúc phạm nó. Ông ta đã gây rất nhiều sự khó chịu, bực mình và đau lòng cho nó. Nhất là việc bà già ấy sau cơn hoảng loạn, và hối hận vì những lời xúc phạm thận tệ sai trái với nó trước phố, cộng với tuổi già đã sinh đột quỵ. Chẳng nói năng đi lại được như trước nữa. Mãi sau bà ấy khá hơn, chú con trai bà ấy mới ra mắng vốn nó. Chú ấy còn nói may mà bà ấy không làm sao nếu không chú ấy sẽ kiện nó ra tòa!?
                     Đúng là làm ơn mắc oán mà! Nó tức điên, nó bảo chú hỏi thằng Thắng con chú mà xem? Không có cháu đỡ cả tảng đá to từ trên trời rơi xuống giữa đâug mẹ chú thì bà ấy đã chết rồi. Đến bây giờ tay cháu vẫn còn tím đây này. Nó kéo tay áo, một vết thâm tím to kéo dài cả mảng ống tay nó dù chuyện đó đã diễn ra một thời gian. Thế mà chú còn làm khó cháu, lại còn định kiện cháu. Đúng là đồ ăn cháo đá bát! Nó thẳng thắn!
                   Mọi người chưng hửng! Vì con trai chú ấy tên là Tuấn, chú ấy mới tên là Thắng. Nó cứ nói thằng Thắng nhìn thấy toàn bộ sự việc làm nhiều người đã nghĩ nó nói dối. Chú ấy đã tin rằng nó chính là nguyên nhân khiến mẹ chú ấy bị đột quỵ. Hóa ra hai bố con họ giống nhau quá và nó nhớ nhầm tên thằng con là tên ông bố.
                      Bà lão giờ đi được xuống tầng một. Cố run rẩy nói với ông con trai, con sai rồi. Không có cô ấy lao vào cứu mẹ giữa lúc mẹ vẫn đang tiếp tục xúc phạm cô ấy thì mẹ đã chết rồi, không còn được nhìn thấy con như thế này nữa. Sau này các con phải cư xử tử tế với cô ấy, tụi trẻ ăn cắp gì của cô ấy thì mau đem sang trả cô ấy đi. Đừng sợ cô ấy đánh.
                    Hai đứa cháu bà ấy đem trả nó mấy quyển sách giáo khoa và cả mấy quyển sổ mà nó rất yêu quý nữa. Đúng là tức điên. Không lẽ lại đánh tụi nhỏ khá ngoan vì biết nghe lời bà dù rất xấu hổ trước bàn dân thiên hạ? Nhưng mà bực mình quá, nó đóng cửa và tiếp tục học bài.
                   Những ngày sau đó, ông con trai bà ấy nhìn nó có vẻ thân mật và thiện cảm lắm. Chẳng giống thái độ kiêu căng, khinh bỉ nó – con nhà quê như trước kia. Nhưng mà ông ta vẫn không thèm nói với nó nổi một lời cám ơn. Đúng là dân “ thợ thuyền hay câm mồm, cấm khẩu”, thật là đáng ghét.
                   Mặc kệ đại gia đình nhà ông ta. Dù họ đối xử tốt với nó hay cư xử tệ với nó thì nó vẫn là nó thôi. Không làm gì hại người khác, nhưng cũng không ai làm gì được nó.


                                                         Tác giả: Phạm Thị Hợi

Xem thêm các bài viết



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét