Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Bình

                     Chọn bạn mà chơi là câu thành ngữ rất hay khuyên ta nên thận trọng lựa chọn bạn bè mà chơi. Bạn bè, đối tác trong công việc là rất quan trọng với hạnh phúc và thành công trong cuộc đời. Bạn ở đây có thể là bạn đời, bạn tri ân tri kỷ, bạn thân, bạn đối tác làm ăn, bạn cùng trang lứa, bạn cùng sở thích … Họ là những người am hiểu tường tận tư duy, sở thích, thói quen, bí mật của ta đôi khi còn hơn cả người thân ruột thịt. Nếu may mắn có một người bạn tốt thì đấy là một trong những diễm phúc lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người:
Ra đường vừa gặp bạn hiền
Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời

                   Tình bạn từ xưa đến nay luôn là thứ tình cảm cao quý được người đời tôn trọng và ngưỡng mộ. Nó làm cho niềm vui được nhân đôi và lỗi buồn giảm đi một nửa. Ở đâu có tình bạn chân thành, ở đó có rất nhiều giá trị về văn hóa, tư tưởng.  Bạn bè thường là động lực, là sức mạnh, sự tự tin … giúp ta phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đôi khi nhìn vào những người bạn mà một người nào đó chơi cùng,  người ta có thể biết được người đó là người như thế nào. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã mà.
                    Bạn khác với bè. Bè là một nhóm, một đám đông cùng có chung một hoạt động, một mục đích nhưng thực chất họ không chia sẻ, cầu kéo nhau cùng phát triển. Có một triết gia từng khuyên: “ Đừng quan tâm đến bè nhóm, những ý tưởng mới mẻ, hữu ích chỉ có ở những cá nhân biết làm việc”.
                  Vì bạn quan trọng với mỗi người quan trọng như thế nên việc “ chọn bạn mà chơi” là hết sức quan trọng. Một người bạn nào cũng chơi, bạn nào cũng thân, không chọn lựa phân biệt tốt xấu, hay dở, có lợi hay bất lợi không thể có được thành công.
                   Vì những người bạn tốt sẽ dần dần tránh xa ta vì ta chơi với cả những người bạn xấu. Họ thì không muốn có chút dính líu nào đến những người bạn xấu. Những người bạn xấu thì cứ bám lấy ta. Vì những người xấu thường bị mọi người tránh xa, ghẻ lạnh. Vậy mà ta cứ vô tư cư xử với mọi người tương đối giống nhau. Thế là họ cứ bám với ta vì ta vẫn cư xử tốt với họ. Ngoảnh đi ngoảnh lại xung quanh ta sẽ toàn là bạn xấu. Quy luật ở đời “ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, sớm muộn ta cũng sẽ trở thành những người xấu như họ. Nếu ít tệ hại hơn là ta không còn ý chí, nghị lực vươn lên tiến bộ mạnh mẽ như trước nữa.
                   Ta không thể làm bạn với cả thế giới, vì thế ta hãy làm  bạn với một vài người bạn thật tốt, và cùng nhau tiến bộ. Người bạn tốt nhất với ta là những người thân ruột thịt với ta, người bạn đời kết tóc xe tơ của chúng ta, là con cái của chúng ta. Họ là những người bạn do tạo hóa tạo ra.
                   Trong cuộc sống ta còn gặp những người bạn cùng chung lý tưởng, những người bạn tri ân tri kỷ. Hãy biết trân trọng tình bạn. Đôi khi ta để mất đi một tình bạn và sẽ chẳng bao giờ có được một tình bạn đẹp đến như thế. Hãy trân trọng tình bạn mà bạn đang có. Đó là một trong những viên ngọc quý giá của tình cảm giữa người với người.
                    Giống như các thứ tình cảm khác của con người. Tình bạn cũng cần được nuôi dưỡng bằng sự chân thành, cởi mở, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ…
                  Vì tình bạn giống như sự giao thoa giữa hai con người, như sự cộng hưởng trong các tiết tấu của một bản nhạc. Vì thế nhất thiết ta phải tránh xa những người bạn xấu. Những người có nhân cách xấu, thói quen xấu, cách cư xử xấu, suy nghĩ xấu … Nếu ta mà chơi với họ thì sớm muộn những điều ấy sẽ làm ảnh hưởng đến ta. Dù những người bạn xấu có dành cho ta tình bạn chân thành, thì tốt nhất ta cũng chỉ nên cám ơn họ. Nhưng nhất thiết vẫn phải tránh xa họ. Đã là người xấu thì cái gì họ cũng sẽ xấu thôi, họ chưa bộc lộ chẳng qua là chưa thể hiện.
                      Tránh tuyệt đối việc chơi với những người bạn thấp hơn mình hoặc cao hơn mình nhiều quá. Một quy luật bất biến trong tình cảm của con người là, chỉ có sự chân thành mới đổi được sự chân thành. Nếu ta không đem đến một trái tim chân thành cho người, thì đừng bao giờ mong nhận được một trái tim chân thành của người khác. Có chăng chỉ là sự tạm thời mà thôi.


                                                        Tác giả: Phạm Thị Hợi

Xem thêm các bài viết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét